[Gả Thay] Chương 7

Từ đại phu nhân không sai người trông coi Vân di nương và Tích Nguyệt vì bà ta không ngờ hai người họ dám bỏ trốn khỏi nhà. Theo suy nghĩ của bà ta, Tích Nguyệt dù không muốn thì cũng chỉ làm ầm lên trong nhà chứ chẳng làm được gì. Từ đại lão gia còn bị bà ta thuyết phục, có lệnh phụ mẫu trấn áp, bảo nó đi chết thì nó cũng phải đi, có thể làm gì chứ?

Bà ta quá chắc chắn, đến nỗi tin tức Vân di nương và Tích Nguyệt bỏ trốn, bà ta không phải là người đầu tiên biết.

Người đó là Hồng phu nhân.

Vân di nương và Tích Nguyệt chân trước vừa lén lút chạy ra cửa hông phía sau thì chân sau lập tức có hai phe vào Bình Giang bá phủ.

– Thứ nữ nhà đó trốn rồi? Là đứa nào?

Người hầu quỳ bên ngoài bình phong đáp cặn kẽ:

– Dạ chắc là người thứ hai ạ, có một phụ nữ hơi lớn tuổi theo cùng, tiểu nhân nghe bà hầu gác cổng gọi bà ấy là Vân di nương.

Hồng phu nhân bưng tách trà lên:

– Biết đi hướng nào không?

Người hầu đáp:

– Tiểu nhân theo họ đến đường lớn thì nghe họ thuê kiệu, nói với kiệu phu là đi Hồng lư tự ạ.

– Vậy là muốn đi tìm Từ đại lão gia rồi.

Hồng phu nhân hài lòng gật đầu:

– Lần này ngươi làm việc rất tốt, tiếp tục theo dõi, nếu có động thái gì khác thì mau về bẩm báo.

Nha hoàn đứng bên cạnh nghe Hồng phu nhân khen liền ra ngoài bình phong cho người hầu nọ một hà bao gấm thêu, người hầu vội nhận lấy, dập đầu tạ thưởng, thấy Hồng phu nhân không có lời gì khác bèn đứng dậy khom người lui ra.

Sau bình phong, Hồng phu nhân uống một hớp trà, cười hỏi nha hoàn:

– Ngươi đoán xem, tại sao nhị tiểu thư Từ gia bỏ trốn?

Nha hoàn bước tới cong môi cười:

– Phu nhân không làm khó nô tỳ được đâu. Nô tỳ đoán, nhị tiểu thư trốn là vì đại tiểu thư bệnh ạ.

Câu này nghe rất thú vị, Hồng phu nhân bật cười:

– Nha đầu này, càng lúc càng có tiền đồ, ăn nói càng sắc sảo.

Bà ta lắc đầu, hơi thương tiếc:

– Mấy nhà quan văn nhiều đời này, lúc nào cũng thích bảo mình thanh cao quy củ, ngươi xem xem, tốt hơn chúng ta chỗ nào? Từ gia từng cho ra thượng thư một bộ đấy, thế mà mới qua bảy tám năm đã hoang phế thành như vậy.

Nha hoàn tiếp lời:

– Nói cho hay ho thôi, chứ con cháu bất tài thì phú quý đến đâu cũng chẳng ra sao, đâu so được với dạng đời đời truyền lại như chúng ta.

Hồng phu nhân thích nghe lời như vậy, khóe môi cong lên, nhẹ nhàng đặt tách trà lại trên bàn.

Nha hoàn hiểu ý tiến lên châm thêm trà, hỏi:

– Phu nhân, bây giờ làm sao ạ? Chúng ta có cần làm gì không?

Hồng phu nhân biếng nhác nói:

– Còn cần làm gì? Ta thấy sáng kiến của Từ đại phu nhân hay đấy. Trốn mất một đứa không có gì phải sợ, chẳng phải vẫn còn một đứa hợp tuổi đấy ư? Cứ mặc bà ta đưa ai đến, đưa đến rồi thì kịch hay mới chính thức bắt đầu.

Nha hoàn dâng tách trà lên, cười nịnh nọt:

– Phu nhân nói chí phải, vẫn là phu nhân cao hơn một bậc.

***

Gác Hồng phu nhân lại, người thứ hai biết chuyện vẫn không phải là Từ đại phu nhân.

Phe theo dõi thứ hai rời khỏi Từ gia cũng là một người hầu, đi vào cửa hông nhà bếp hậu viện Bình Giang bá phủ, lượn một vòng rồi nhẹ nhàng vào Tĩnh Đức viện.

Đây là nơi Phương lão bá gia bệnh nặng đang dưỡng bệnh, rõ ràng yên tĩnh hơn nơi khác rất nhiều, một hai hạ nhân lui tới đều bước chân rất khẽ, trong viện gần như hoàn toàn lặng ngắt.

Người hầu đi sát vào tường, lặng lẽ tới phòng nhỏ bên cạnh phòng chính.

Dưới cửa sổ trong phòng nhỏ là một bếp lò nhỏ, bên trên đặt ấm thuốc, nắp ấm nghiêng nghiêng, hương thuốc đắng lượn lờ bay lên, nhuốm cả phòng đầy mùi thảo dược, tuy không hôi hám nhưng cũng chẳng hề dễ chịu.

Một nam nhân y phục xám ngồi trước bếp thuốc, nghiêng nghiêng về phía cửa, tay cầm quạt hương bồ, chốc chốc lại quạt bếp lò.

Người hầu tiến lên, nhỏ giọng bẩm báo những gì mình thấy nơi cổng sau Từ gia, và bẩm báo cả động thái của người hầu do Hồng phu nhân phái đi.

Nam nhân nghe xong, gật đầu.

Người hầu chờ chốc lát, thấy nam nhân không có phản ứng gì khác bèn hỏi:

– Gia, tiếp theo nên làm gì ạ?

Tay nam nhân quạt lửa dừng lại, giơ lên, ống tay áo hơi trượt xuống, lộ một vết thương kéo dài từ cổ tay tới khuất trong tay áo, tuy đã khép vảy nhưng qua dấu vết đáng sợ vẫn có thể tưởng tượng được ngày đó bị thương nặng thế nào.

Y dùng cái tay cầm cán quạt dính tro chậm rãi vẽ giữa không trung: “Bình tĩnh quan sát.

Mắt người hầu không chớp nghiêm túc xem xong, đáp:

– Dạ.

Rồi lui ra, từ đầu tới cuối không phát sinh tiếng động dư thừa nào.

Nam nhân cúi đầu, lại quạt lò. Động tác của y y hệt như trước, giống như chưa từng có ai vào trò chuyện với y vậy.

***

Sau giờ ngọ, Từ đại phu nhân cuối cùng cũng biết chuyện bê bối ở hậu viện.

Ra nông nỗi này chủ yếu bởi bà ta. Vì che giấu bí mật Vọng Nguyệt giả bệnh mà bà ta không cho ai tới thỉnh an, khiến Vân di nương có thể giấu giếm lâu đến thế.

Trốn thế nào, trốn đi đâu, đều không khó điều tra, gọi tất cả nha hoàn trong viện Vân di nương qua là biết, khó ở chỗ sau khi tra ra rồi thì phải làm sao.

Thời gian nửa ngày đã đủ cho Vân di nương tìm được Từ đại lão gia, bà ấy không sợ làm ầm ĩ nhưng Từ đại phu nhân cực kỳ không muốn, lỡ lộ tiếng gió ra ngoài thì kế hoạch thay mận đổi đào làm sao thực hiện?

Từ đại phu nhân phồng má vận khí, ném vỡ tất cả chung trà, cuối cùng vẫn nuốt cơn giận này xuống. Chạy mất một đứa không sao cả, trong nhà vẫn còn một đứa!

Đứa ngốc nghếch còn lại càng dễ dàng bày bố.

Lần này không thể xảy ra sai lầm nữa, Từ đại phu nhân sai người đưa Oánh Nguyệt ra khỏi Thanh Cừ viện, đặt ngay trước mắt để bà ta đích thân trông coi, mãi đến ngày mười lăm tháng ba trước đêm thành thân, mới tiết lộ kế hoạch cho nàng.

Oánh Nguyệt bị họa từ trên trời rơi xuống, bỗng dưng bị bắt rời khỏi cái vỏ của mình, bị nhốt trong phòng nhỏ ở chính viện hai ngày một đêm. Nha hoàn canh gác phớt lờ mọi câu hỏi của nàng, chỉ canh nàng thật chặt, thậm chí không cho đi lại chứ đừng nói là ra khỏi cửa. Trong hoàn cảnh như vậy, Oánh Nguyệt ăn không ngon, ngủ không yên, vốn đã bị dọa chết khiếp, khi nghe sáng kiến độc đáo của Từ đại phu nhân, nàng hoảng hồn ngu người.

– Vọng Nguyệt bị bệnh mới đến lượt con, bằng không con không có phúc phần này đâu.

Từ đại phu nhân từ trên cao nhìn xuống nàng:

– Ngoan ngoãn xuất giá theo lệnh phụ mẫu thì mới tốt cho con, sau này làm Phương đại thiếu phu nhân vẫn vẻ vang, con hiểu không?

Oánh Nguyệt không hiểu, chuyện này vượt quá phạm vi hiểu của nàng. Nhà chồng của trưởng tỷ cơ mà, sao nàng có thể gả qua đó? Đại thiếu phu nhân hay nhị thiếu phu nhân mắc mớ gì tới nàng?

Từ đại phu nhân nói xong hai câu “lời hay” thì chuyển sang đe dọa:

– Nếu con không nghe lời, sinh sự làm càn như nhị nha đầu gây phiền phức cho gia đình, thì hừ… đừng nói là nhà như Bình Giang bá phủ, tìm một am ni cô thu nhận con cũng coi như đó là số phận của con, sau này chết đi chỉ có thể làm cô hồn dã quỷ, không có đèn nhang thờ cúng gì hết!

Những lời nghiêm khắc hung dữ này của bà ta rất hiệu quả. Oánh Nguyệt luôn sợ bà ta, chưa bao giờ trả treo, phản xạ đầu tiên là lộ vẻ mặt sợ hãi.

Đối với Từ đại phu nhân, vậy là đủ. Bà ta không cần Oánh Nguyệt phối hợp gì nhiều, chỉ cần nàng thay Vọng Nguyệt ngồi kiệu hoa qua cổng lớn vào Bình Giang bá phủ là xem như gả thay thành công. Ở góc độ này thì chọn Tích Nguyệt hay Oánh Nguyệt không có gì khác, chẳng qua thứ nhất là xét theo thứ tự, thứ hai là Tích Nguyệt thông minh hơn, để nó thế thân chắc chắn hơn, ai ngờ thông minh lại khó khống chế, Tích Nguyệt trực tiếp trốn ra khỏi nhà.

Nói tới nói lui, cái gọi là thành công này chỉ là nói theo tính toán của Từ đại phu nhân. Còn về Oánh Nguyệt “gả” hoang đường như vậy sẽ gặp phải cảnh ngộ gì, cuộc sống sau này sẽ ra sao, thậm chí có thể sống tiếp hay không, đều không nằm trong phạm vi cân nhắc của Từ đại phu nhân.

Đâu phải thịt trên người mình rơi ra, xót nàng nhiều làm gì, cho nàng ăn ngon uống ngon, nuôi lớn đến từng này đã là có ơn với nàng rồi, bây giờ phái đi giúp đỡ gia đình chút cũng là điều nên làm.

Từ đại phu nhân dặn dò vài câu xong là đi, Oánh Nguyệt cuối cùng mới bình tĩnh lại, nhưng đã quá muộn. Nàng không làm gì được nữa, như con thú mắc bẫy chịu khốn đốn hơn ba canh giờ, đến khi trống canh năm bên ngoài đánh, tiếng người dần vang lên, Từ đại phu nhân qua lần nữa, sai người đưa nàng sang một gian phòng khác để hỉ nương chải đầu, trang điểm, thay y phục cho nàng.

Oánh Nguyệt bị đẩy đến trước bàn trang điểm, không thể nhúc nhích, sợi bông dài nhỏ quết lên mặt cho nàng cảm giác khổ sở kỳ lạ khó tả. Nàng muốn giãy giụa, muốn nói không, nhưng lão ma ma đè nàng xuống véo mạnh vào lưng nàng, miệng cười nhưng mắt không cười:

– Tiểu thư, không được động đậy, làm hỏng mặt sẽ xấu lắm, tân lang không thích đâu.

Tân lang gì chứ, đâu phải của nàng!

Oánh Nguyệt lấy dũng khí, muốn hét to, nhưng lão ma ma nhanh tay nhanh mắt lại véo nàng cái nữa, khiến những lời đến bên môi nàng biến thành tiếng hít đau.

Nàng muốn phản kháng tiếp, nhưng kinh nghiệm ít ỏi, cộng thêm thiếu được dạy dỗ khiến nàng không thể đối phó hiệu quả với biến cố đột ngột này. Trong phòng đầy người nhưng chẳng ai quan tâm để ý nàng, trên mặt ai cũng nở nụ cười giả tạo, nói với nàng câu “tiểu thư đại hỉ” với giọng điệu kỳ lạ như một vở kịch hoang đường nhất, dù có nằm mơ nàng cũng không mơ nổi.

Cứ thế nàng bị ép hoàn thành một chuỗi thủ tục. Ánh mặt trời bên ngoài dần sáng, nhưng nàng không nhìn thấy, trên đầu nàng bị phủ một tấm vải đính châu ngọc, trước mắt nàng chỉ còn là một mảng màu đỏ.

Không biết là ai cõng nàng, nàng bị bỏ vào trong một chiếc kiệu, tay còn bị nhét một chiếc lọ bụng tròn, xung quanh là tiếng pháo tiếng chiêng trống ầm ĩ, kiệu được khiêng lên. Kể ra thật buồn cười, Oánh Nguyệt lớn đến chừng này, vì chưa từng được ra ngoài nên chưa bao giờ có cơ hội ngồi kiệu, hiện tại dưới chân nhẹ bẫng, quanh thân chao đảo, cảm giác mất trọng lượng đột ngột khiến nàng suýt va đầu vào vách kiệu.

Kiệu bắt đầu được nâng lên, tiếng huyên náo ồn ào xung quanh càng lớn, cảm giác hoang đường như nằm mơ của Oánh Nguyệt cũng càng mạnh, giọng rất nhiều người bên ngoài đều khá quen thuộc với nàng nhưng lúc này nàng lại nghe vô cùng xa lạ như cách lớp mây mù, đến cả tiếng khóc của Từ đại phu nhân cũng trở nên hư ảo… đương nhiên, cái này có khả năng vì bà ta chỉ giả vờ khóc cho có mà thôi.

Trong kiệu không có một lão ma ma chuẩn bị véo nàng bất cứ lúc nào, Oánh Nguyệt cuối cùng cũng có chút quyền tự chủ, nhưng việc nàng có thể làm vẫn rất ít. Hỉ nương và nha hoàn theo bên kiệu đều là người của Từ đại phu nhân, nàng mà có chút hành động khác thường nào, họ sẽ trấn áp nàng lại cực kỳ dễ dàng.

Oánh Nguyệt vén tấm vải chắn tầm mắt, thấy bên phải kiệu có một cửa sổ vuông nhỏ, nàng đưa tay muốn vén rèm ra, tua rèm kiệu hơi động đậy là lập tức bị bên ngoài đè lại, thậm chí Oánh Nguyệt không biết đó là tay ai.

Nàng lại thử nói chuyện với bên ngoài, nhưng quá ồn ào. Chiêng trống không một khắc nào ngừng, ra khỏi cổng lớn Từ gia là dọc đường sẽ có trẻ con ham vui xúm lại cười to xin tiền lì xì, giọng nàng bẩm sinh vốn hơi nhỏ, hét to nhất cũng không truyền được bao xa, xung quanh có thể nghe được, nhưng người gần nàng nhất chắc chắn là tâm phúc của Từ đại phu nhân, hoàn toàn ngó lơ nàng.

Oánh Nguyệt vừa gấp vừa hoảng, lẽ nào nàng thật sự cứ thế bị khiêng đến Bình Giang bá phủ ư? Từ đại phu nhân chắc chắn chưa nói với người ta, bằng không sẽ không đợi nước đến chân mới lôi nàng vào. Khi người của Bình Giang bá phủ thấy nàng, chắc chắn sẽ cực kỳ kinh ngạc, vừa nghĩ tới cảnh đó là nàng lúng túng xấu hổ muốn ngất trong kiệu.

Từ đại phu nhân lợi hại, chuyện gì cũng làm được, nhưng nàng thì không!

Oánh Nguyệt sốt ruột, lại vươn tay với tới rèm kiệu phía trước. Chỉ khi nàng ngã ra ngoài thì hành động này mới không bị bưng bít. Bình Giang bá phủ không thể chấp nhận nàng, sớm muộn cũng sẽ mất mặt, chi bằng mất mặt giữa đường, nàng thà quay về chịu Từ đại phu nhân giáo huấn còn hơn.

“Kịch”, cái lọ quý bị nàng tiện tay đặt bên cạnh rơi xuống đất, lăn theo mép rèm ra ngoài. Lần này người bên ngoài không thể ngó lơ nữa, nhưng vì xảy ra sự cố nên cỗ kiệu vốn chỉ hơi chao đảo, giờ kiệu phu đi trước thấy cái lọ quý liền ngẩn người, bước chân chậm lại, kiệu phu đi sau không biết, vẫn đi bình thường, gây ra loạn nhịp, kiệu xóc nảy dữ dội.

Trùng hợp, Oánh Nguyệt cũng bị chuyện ngoài ý muốn này làm giật mình há miệng. Nàng đang ở tư thế nửa ngồi nửa nhổm khó chịu, bỗng chốc bị xóc nảy, đầu va vào vách kiệu, hàm răng đang há cũng bị va khép lại và cắn ngay lưỡi!

Cơn đau nháy mắt ập tới khiến thần trí nàng mất đi chốc lát.

Hỗn loạn nho nhỏ bên ngoài nhanh chóng được xử lý, một nha hoàn đi theo kiệu nhặt cái lọ quý lên, có lẽ sợ nàng gây sự nữa nên đơn giản tạm thời không đưa nó cho nàng, kiệu tiếp tục tiến về trước.

Mắt Oánh Nguyệt ầng ậng nước, không phản ứng được gì vì đau quá. Máu tuôn lập tức như lấp đầy khoang miệng, nàng nghẹn ho sặc sụa, máu trào ra cằm chảy xuống vạt áo trước.

Lúc này nàng mới tìm lại được chút khả năng cử động trong cơn đau buốt, giơ tay quẹt cằm theo bản năng, thấy tay dính dính, cúi đầu nhìn, nó đã biến thành một tay máu.

Oánh Nguyệt bị dọa sợ, hiệu quả thị giác này quá kinh người!

Đây chỉ mới là mở đầu, chẳng biết nàng cắn mạnh cỡ nào mà máu không ngừng được. Nàng khép miệng lại, muốn mượn hành động không đáng kể này để cầm máu nhưng vô dụng, khoang miệng nhanh chóng lại đầy ra, nàng bị ép nuốt hai ngụm, mùi vị đó… khỏi phải nói, suýt làm nàng nghẹn ói.

Nhưng Oánh Nguyệt vẫn cố nuốt thêm hai ngụm, máu bỗng chốc chảy ra quá nhiều quá dữ dội, nàng sợ mình cứ thế ngơ ngơ ngác ngác chết đi. Nàng không muốn gả thay trưởng tỷ, nhưng nàng càng không muốn chết, đến cả cổng nhà nàng còn chưa bước qua mà, chết như thế thật không cam tâm tí nào.

Nàng ngây thơ cho rằng, nuốt máu xuống, máu chảy ra lại quay về cơ thể thì sẽ không đáng sợ như thế nữa.

Nàng muốn cầu cứu với bên ngoài, nhưng tình trạng trong miệng khiến nàng không thể phát ra tiếng, muốn ngã ra ngoài thì sợ họa vô đơn chí, khiến bản thân ngã chết luôn thì hỏng.

Nàng chỉ có thể run rẩy nỗ lực đưa tay vén rèm cửa sổ nhỏ trên kiệu, nhưng vừa vén lên liền bị người bên ngoài đè lại. Hiện tại nàng không còn sức để giằng co, đành chuyển sang đập vách kiệu, nhưng nàng đập mấy dấu tay máu lên vách kiệu mà bên ngoài vẫn chẳng ai đáp lại, cỗ kiệu cứ lắc lư tiến về trước.

Thể lực của Oánh Nguyệt nhanh chóng cạn dần, có lúc thần trí nàng mơ hồ như muốn ngất, nhưng nàng biết mình chưa ngất, vì máu không nuốt tự nhiên như nước được, máu không ngừng trào ra trong miệng khiến nàng nghẹn tỉnh.

Thần trí vừa hơi hơi quay về là nàng liền yếu ớt đập vào vách kiệu, nàng đã không còn cảm giác được vết thương mình cụ thể chỗ nào, cả đầu lưỡi đều sưng đau, máu vẫn tuôn trào, cảm giác cảm nhận rõ sinh mệnh đang dần dần trôi đi theo thể lực thật đáng sợ…

Nàng sẽ không chết thế này chứ…

Nàng… không muốn chết…

Cạch.

Kiệu hạ xuống đất.

Lam: Thực ra nữ chính không ngốc, chẳng qua do hoàn cảnh đưa đẩy. Một cô gái sống nơi hậu viện, chưa bao giờ được bước chân khỏi nhà, không tiền, không quan hệ, nên không có điều kiện để phát triển trí tuệ, rèn luyện phản xạ với tình huống thực tế mà thôi. Trong hoàn cảnh của Oánh Nguyệt mà đưa ra phán đoán và phản xạ được như thế cũng rất hay rồi.

Một suy nghĩ 2 thoughts on “[Gả Thay] Chương 7

Bình luận về bài viết này