[KONKGH] Ngoại truyện 3

Xuân tiên sinh cầm chiếc quạt hương bồ ngồi trên xích đu dưới giàn nho đong đưa “kẽo kẹt”. Một cơn gió mát thổi vào làm ông chỉ muốn xắn áo lót lên phơi bụng, bỗng ông cảm nhận được nguy hiểm, vội vàng ngồi nghiêm chỉnh lại, thẳng lưng, cố gắng hóp mớ thịt dư trên bụng vào, vờ như nó không tồn tại.

Lúc này, đồ đệ gọi:

– Sư phụ ơi, ăn cơm ạ.

– Cứ dọn ra đi.

Xuân tiên sinh thong dong đong đưa chiếc quạt, ấn đường khẽ cau, ngân nga một khúc tây bì thê lương:

– “Gió mưa vần vũ ngoài đình, bi thương phá vỡ lặng thinh tiêu điều…” (1)

(1) Câu trong điệu tây bì “Xuân thu đình ngoại phong vũ bạo”.

Đồ đệ không nói gì, dọn ra nào khay nào đĩa lên chiếc bàn đá nhỏ trong sân, đẹp mắt và thơm tho.

Lần này không cần “phá vỡ lặng thinh”, Xuân tiên sinh “hào hoa phong nhã” nhóp nhép miệng thèm thuồng:

– Trời nóng quá, thực không muốn ăn gì cả, thấy cơm thôi là đủ… Còn nước sơn tra hôm qua nấu không, múc cho ta một bát cho dễ tiêu.

Thế là trước bữa ăn, ông dè dặt lo dễ tiêu hóa, sau đó ăn hai bát cơm to và một bát canh. Xuân tiên sinh lén xoa bụng, ợ một tiếng no nê, hối hận vì đã ăn nhiều. Nhìn sang tiểu đồ đệ gầy gò tuấn tú, tay áo xắn lên khuỷu tay, trên hai cánh tay chỉ có lớp da mỏng, phía dưới là gân cốt bắp thịt rõ ràng, Xuân tiên sinh không cam tâm nghĩ: “Chậc, cùng ăn cùng ở mà sao thằng này không mập? Nhờ tuổi trẻ thôi mà.”

Điều này thì quả thực không phải.

Tiểu đồ đệ nấu ăn mồ hôi nhễ nhại, hầu sư phụ ăn xong lại lặng lẽ dọn chén bát đem đi rửa, xong xuôi quét sân một lượt rồi tưới nước lên sân cho đỡ nóng, lo liệu mọi thứ sạch sẽ từ trong ra ngoài. Khi thức ăn được tiêu hóa gần hết, anh rửa tay, pha cho sư phụ ấm trà nhài, sau đó đi luyện công. Trong thời gian đó, Xuân tiên sinh còn không nhấc mông khỏi ghế. Trước khi ăn, ông ngồi chờ cơm, ăn xong lại ngồi tiếp, đong đưa quạt và muốn phơi bụng.

Đủ thấy thịt mọc ra cũng là có nguyên nhân.

Xuân tiên sinh nhìn tiểu đồ đệ luyện đao, đao trong tay anh như đang sống, như ánh sáng của những con sóng trên biển cả nối với nhau tầng tầng lớp lớp liên tu bất tận. Anh đứng trong sân mà ánh trăng và tiếng ve đều không lọt vào mắt, ánh mắt anh tĩnh lặng như tâm bão. Xuân tiên sinh quan sát một lúc, chiếc quạt hương bồ không cử động, ông cảm thán: tâm thằng này thật tĩnh.

Người tập võ luyện công có nhiều loại. Người thông minh thì sư phụ dạy một lần là biết, người ngốc nghếch thì có khi luyện mười mấy hai chục năm cũng chẳng ra hồn. Thứ mà Vạn Mộc Xuân truyền thừa là sát thuật. Sát thuật không cần sức mạnh quá lớn, không cần cả ngày luyện dùng ngực đập vỡ đá, cũng không cần phô diễn khoa trương, biểu diễn cho mọi người kinh hãi. Thiên phú lớn nhất để tu tập sát thuật chính là tâm tĩnh, có thể hòa hơi thở cùng cỏ cây, khiến ngũ quan lục cảm của bản thân hòa làm một cùng ngũ quan lục cảm của mục tiêu, chực chờ cơ hội, hễ ra tay là một chiêu tất sát.

Không hoa mỹ nhưng buộc phải chính xác, kiểu chính xác trải qua vô vàn lần tôi luyện.

Tiểu đồ đệ là một hạt giống tốt. Xuân tiên sinh tiếc nuối nghĩ, Vạn Mộc Xuân sau giải phóng đã rửa tay gác kiếm, nếu không thì với ngón nghề Bào Đinh Giải Ngưu trò giỏi hơn thầy, có lẽ tiểu đồ đệ sẽ thành truyền kỳ của thời đại.

Xuân tiên sinh từ tốn nói:

– Tiểu Kiêu nhi, con tập vừa vừa phải phải rồi nghỉ ngơi thôi, nếu con sinh muộn hơn mười năm thì mấy công phu này ta không dạy đâu.

Tiểu đồ đệ Vệ Kiêu là do Xuân tiên sinh nhặt về. Thời đại rối ren, trẻ con bị bỏ rơi nhiều vô kể, một hôm Xuân tiên sinh cùng bằng hữu ca hát, uống say rồi tiện tay đưa về. Hôm sau tỉnh rượu, thấy đứa trẻ này tướng tá không thô kệch, lại có duyên với ông, ông cũng không thiếu một phần cơm, bèn giữ nó lại làm đồ đệ.

Lúc đó Xuân tiên sinh chưa “rửa tay gác kiếm”, đã truyền công phu và y bát cho tiểu đồ đệ Vệ Kiêu… bồi dưỡng đồ đệ thành đầu bếp trứ danh.

Xuân tiên sinh nói:

– Sau này ta mất, con chính là chưởng môn, có điều môn phái chúng ta truyền từ Nam Tống đến nay đã đủ rồi, tổ sư gia không hi vọng con phát triển môn phái nên cứ thả lỏng thôi.

Vệ Kiêu từ nhỏ đã ít nói, nghe xong chỉ cười, ánh dao trong tay vẫn không ngừng nghỉ.

Thời cổ đại, Vạn Mộc Xuân không phải danh môn chính phái. Để luyện ra “lưỡi dao cực hiểm” cho đồ đệ, sư phụ có thể không từ thủ đoạn, đánh mắng là chuyện thường, đồ đệ nào không chuyên tâm luyện thì lỡ bị sư phụ lấy mạng cũng không phải chuyện lạ. Hồi tưởng lại ký ức, Xuân tiên sinh nói:

– Bọn ta đều bị ép từ nhỏ mà thành, lớn lên phải nhờ nó để kiếm cơm kiếm sống, cầu danh cầu lợi, chứ con luyện dao để làm gì?

Vệ Kiêu chỉ cười, thỏ thẻ đáp:

– Con chỉ là thích thôi ạ, cảm giác như lưỡi dao đang bầu bạn tán gẫu cùng con vậy.

Xuân tiên sinh nghe vậy, tim đập thình thịch, nghĩ: “Vậy còn không bằng cầu danh cầu lợi.”

Vì cầu danh cầu lợi là thói thường ở đời, không cầu danh lợi thì chẳng khác nào yêu quái.

Lúc nhỏ, Xuân tiên sinh nghe kể một truyền thuyết, rằng những danh đao bảo kiếm được truyền từ cổ đại khi mới đúc đã khác vũ khí thông thường, lâu ngày sinh ra linh tính, có thể hóa thành người. Người như vậy vạn năm chưa chắc có được một, có khả năng trò chuyện cùng đao kiếm. Người khác xem đao kiếm là hung khí hại người, nhưng trong mắt người đó là bạn cũ lâu ngày gặp lại, bởi vậy luyện đao hay luyện kiếm đều rất thông tuệ, nhờ thế trở thành đao khách kiếm khách kỳ tài.

Nhưng… người như vậy thông thường đều không có kết cục tốt.

Từ cổ chí kim, bọn yêu quái trong truyền thuyết dân gian, mấy ai có kết cục tốt?

Trước khi qua đời, Xuân tiên sinh nắm tay tiểu đồ đệ, dặn dò hai câu.

Câu thứ nhất là:

– Đừng xuất đầu lộ diện, đừng ham hố thể hiện, cứ qua loa đại khái, hãy làm một người bình thường nhạt nhòa trong mắt thế nhân.

Câu thứ hai là:

– Đao pháp Vạn Mộc Xuân chỉ đến đời con thôi, đừng truyền tiếp nữa, sát thuật là thứ không hay ho gì.

Vệ Kiêu khóc nức nở đưa tiễn ân sư, chỉ khắc ghi sinh ly tử biệt mà không nhớ lời sư phụ dặn.

Có người tới khiêu chiến là Vệ Kiêu sẽ ứng chiến, không bại trận nào, sao anh có thể hủy hoại thanh danh tiền bối chứ?

Dụ lão tiên sinh triệu tập quần hùng trừ khử Hứa gia. Minh Chủ Lệnh phát, Vệ Kiêu đương nhiên ứng lệnh, hậu nhân Ngũ Tuyệt há có thể làm rùa rụt cổ?

Thế là anh lộ diện uống trà ở đại hội võ lâm, đến điểm danh xong rồi đi. Tính cách Vệ Kiêu là vậy, dù cố ép ở lại cũng không có gì để nói với người khác, anh không giỏi giao tiếp với mọi người.

Bị hậu bối Cái Bang vây đánh, Vệ Kiêu không nhân nhượng, lấy một địch nhiều, đánh tới mức đỏ mắt cũng không lấy mạng ai, chỉ cắt mỗi người một cái gân tay, đã là hạ thủ lưu tình lắm lắm rồi.

Danh đao không thể giấu mãi sự sắc bén của mình, điều Xuân tiên sinh lo lắng toàn bộ thành sự thật.

Vệ Kiêu xuất đầu lộ diện và thể hiện bản lĩnh thật, không chấp nhận qua loa, lại không phải tuýp anh hùng đứng mũi chịu sào được muôn người ủng hộ, đành vì thanh danh mà vất vả trốn chui trốn nhủi.

Thuở thanh xuân rực rỡ, Vệ Kiêu cũng từng đem lòng mến thương một cô gái, chỉ là thời đó xã hội chưa cởi mở, tính anh lại nhút nhát không dám thể hiện, chỉ che giấu tình cảm trong lòng. Và cô ấy kết hôn với người bạn thân chí cốt của anh, bao nhiêu tình cảm xốn xang đành chôn chặt trong tim. Mấy năm sau, bởi nguyên nhân đặc biệt của thời đại, đôi vợ chồng họ qua đời, chỉ để lại một bé trai gửi gắm cho Vệ Kiêu. Đứa bé đó là Vệ Hoan.

Trước năm năm tuổi, nó tên là Nghiêm Hoan, khi ra ngoài chơi với bọn trẻ toàn bị chọc là thằng con hoang không cha không mẹ. Vệ Kiêu nghe được, bèn đổi họ cho nó, từ đó về sau xem nó như con trai ruột, lời đồn mới chuyển hướng, nói rằng nó là đứa con riêng của anh chưa kết hôn mà có.

Điều này không sao cả, dù sao danh tiếng của Vệ Kiêu vốn đã chẳng đẹp đẽ gì.

Tổ tiên luyện Bào Đinh Giải Ngưu để an thân lập mệnh, nếu không thể an thân lập mệnh thì đương nhiên không cần luyện, không cần truyền lại. Với Vệ Kiêu thì khác, anh truyền dao cho đồ đệ như kiểu một vãn bối không kiềm lòng được mà giới thiệu lão bằng hữu vậy.

Trong cuộc đời mình, Vệ Kiêu đã phạm lỗi hai lần. Lần thứ nhất là khi thấy Vệ Hoan huơ tay theo đao phổ Bào Đinh Giải Ngưu, anh không kìm được chỉ dẫn vài câu. Lần thứ hai là khi nhóc Cam Khanh cầm dao cạo râu của anh bắt chước anh một cách vụng về và nhiều lần nài nỉ, anh đã không kìm được.

Tính Vệ Hoan không thuộc kiểu hoạt bát hướng ngoại, Vệ Kiêu luôn cảm thấy nó giống mình, đi theo mình thì ngày càng buồn tẻ. Khi đó nhà nghèo không mua nổi đồ chơi, anh dạy nó ít công phu để rèn giũa tâm trí, đồng thời cũng xem như giải trí.

Nhưng anh sai rồi, Vệ Hoan không hề giống anh. Về sau trưởng thành, sai một ly đi một dặm, số mệnh đưa đẩy nó đến nơi mà anh không thể với tới.

Khi tình cờ nhận nuôi Cam Khanh, lúc đó Vệ Kiêu đã lớn tuổi, tính tình càng trầm lặng hơn, anh chăm sóc cô bé mang xuất thân phức tạp ấy như chăm một đóa hoa, cẩn thận từng li từng tí. Ban đầu anh nghĩ rất đơn giản, cô bé mới tí xíu đã chịu cảnh cửa nát nhà tan, không người chăm sóc, rơi vào cảnh ngộ này hoàn toàn do anh không dạy tốt đồ đệ, đành tự chịu trách nhiệm chăm sóc cô bé đến tuổi trưởng thành.

Con người không phải cỏ cây, anh chăm sóc rồi dần dà quên mất lý do vì sao mình nhận nuôi cô bé.

Vệ Kiêu đã già, đao kiếm rồi sẽ gỉ sét, con người rồi sẽ cô đơn. Thuở tráng niên ông bị Vệ Hoan liên lụy, cả đời không lập gia đình, tuổi già không con nối dõi. Cũng như bao người già khác, ông bắt đầu khát khao những thú vui bình dị đời thường. Và một cục nợ nhỏ hoạt bát năng động đã thành nét bút sinh động nhất cuộc đời ông.

Tính cách Cam Khanh hoàn toàn trái ngược với sư huynh. Cô thông minh lanh lợi, vô cùng nghịch ngợm, trước năm năm tuổi thì mấy trò như trèo cây leo tường, trò nào cô cũng làm, đầu gối chưa bao giờ được yên. Lúc đi học thì cứ hai ba ngày là bị giáo viên mắng vốn nhưng học hành không kém, từ nhỏ giáo viên đã nói sau này cô có thể vào đại học.

Để cô thu lại hào quang, mai danh ẩn tích, cả ngày ông lẽo đẽo theo sau, lo đủ thứ chuyện linh tinh vặt vãnh cho cô. Đôi khi ông ngẩn ngơ cảm giác cô là đứa con gái bé bỏng đến an ủi tuổi già của ông.

Nhưng, một khi sự thật chìm sâu xuống đáy hồ không thể chạm tới, thì hương hoa và bóng trăng trên bề mặt đều trở thành ánh sáng thoáng qua. Niềm an ủi do vụng trộm mà có rồi sẽ đến lúc trả về.

Quy tắc do tổ tông truyền lại là mỗi thế hệ Vạn Mộc Xuân chỉ được truyền cho một đệ tử, Vệ Kiêu đã phá giới.

Ngày hôm đó rất lạnh, Cam Khanh đã bỏ nhà ra đi được một tuần, Vệ Kiêu tìm đến mức sắp phát điên. Ngay lúc ông bó tay hết cách, thậm chí không tiếc để lộ nơi ẩn náu, định cầu viện chung cư 110 thì Mạnh Thiên Ý đưa Cam Khanh đang máu me be bét trở về.

Tim Vệ Kiêu đập thình thịch, biết ngay đã xảy ra chuyện.

Trán Mạnh Thiên Ý toàn mồ hôi:

– Thực sự là Vệ Hoan sao? Không… không thể nào? Vệ Hoan thực sự trở về, còn ra tay tàn nhẫn như vậy ư? Không phải anh nói năm xưa nó gửi tiền cho con bé đi học… Vệ huynh đi đâu thế?

– Ta đi xem, nó dám ra tay thì có dám gặp ta không? Cậu trông Cam Khanh nhé, đừng để con bé ra ngoài nữa.

– Em á?

Mạnh Thiên Ý chỉ vào mình rồi lại nhìn Cam Khanh, đầu đơ ra:

– Ôi Vệ huynh ơi, con bé nhà anh là tổ tông sống đấy, ai mà quản nổi nó chứ?

Bước chân Vệ Kiêu dừng lại rồi bước nhanh về phía bàn học, lấy trong đó ra một phong thư. Ông cúi đầu viết lên thư vài chữ “Kính liệt tổ liệt tông phái Vạn Mộc Xuân”.

– Ối!

Mạnh Thiên Ý biến sắc:

– Anh làm gì thế? Nỡ đuổi con bé khỏi sư môn thật à?

– Không vậy thì không dọa được nó đâu.

Vệ Kiêu đặt vài tờ tiền lẻ và xấp coupon của cửa hàng thức ăn nhanh vào bì thư để phong thư trông giống hơn. Với gia đình họ thời đó, cửa hàng thức ăn nhanh là thứ vô cùng xa xỉ, lâu lâu mới đi ăn một lần, vả lại còn không dám tùy ý gọi món mà phải tích góp thật nhiều coupon mới được ăn món mình muốn.

Vệ Kiêu nhìn Cam Khanh, thở dài lần nữa, rút xấp coupon ra, thay bằng đồng 20 tệ:

– Con đúng là cục nợ của ta mà.

Nào ngờ đây là lần cuối ông nhìn cục nợ bé bỏng của mình.

Có người dùng cả đời để trả nợ, trả xong là đi mất.

Chỉ để lại những truyền thuyết cùng tan theo ánh lửa giang hồ.

Kết thúc

Lam:Không ô nhiễm, không gây hại” khai thác một chủ đề khá lạ và tương đối khó là thế giới võ hiệp trong bối cảnh hiện đại. Thế nhưng Priest đã triển khai nó rất trơn tru mượt mà và hấp dẫn. Có câu “ở đâu có người, ở đó có giang hồ”, có thể “giang hồ” trong thời đại mới không còn như “giang hồ” thuở trước nhưng những cái chất hay của người giang hồ như lòng nghĩa khí, tính hào sảng,… tin rằng vẫn mãi trường tồn.

Do một số biến cố riêng mà việc edit bộ truyện này đã bị gián đoạn một thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cũng như chất lượng bản chuyển ngữ. Bên cạnh đó, do truyện khá dài và nhiều nhân vật, văn phong tác giả lại không dễ đọc nên chắc chắn bản edit này vẫn còn nhiều chỗ chưa được ổn, rất mong mọi người thông cảm.

Lời cuối cùng, xin gửi lời cảm kích mọi người đã cùng theo dõi đến những dòng này. Hẹn tương phùng trong một câu chuyện khác, mong rằng ở thế giới đó, chúng ta vẫn là tri âm.

Bình luận về bài viết này